KHẢO-LUẬN

 

 

II.
BINH-KHÍ CỔ-TRUYỀN

 

2 - Binh-Khí Sắc-Bén

 

 

Độc-Kiếm
獨劍

 

       

« Kiếm-Thuật »
劍術

 

 

 

 

 

       Bàn về Kiếm-thuật Đại-Việt, tự-nhiên chúng ta phải đề-cập tới Kiếm-Thuật Trung-Hoa vì cùng chung một Văn-Hóa Võ-Thuật. Nhưng vì không cùng chung Quan-Niệm Võ-Thuật nên Kiếm-Thuật Việt-Nam lại có nhiều điểm rất dị-biệt do cách huy-động Kiếm khác nhau . Người môn-sinh Võ-Thuật Cổ-Truyền Việt-Nam cần phải được biết rỏ điều này.

       Ngoài ra chúng ta cũng phải bàn đến Kiếm-Thuật của Tây-Phương mà hai quốc-gia tiêu-biểu là Ý-Đại-Lợi (Italia) và Pháp (France) và Kiếm-Thuật của Đông-Phương mà quốc-gia được nỗi tiếng hiện nay là nước Nhật-Bản với môn KenjutsuKendo.

 

 

       I - Kiếm-Thuật Đại-Việt và Kiếm-Thuật Trung-Hoa

       Kiếm-thuật Đại-Việt áp-dụng những cách cầm Kiếm, dù theo Chánh-Thủ-Kiếm (như Loa-Bả 螺 把, Kiềm-Bả 鉗 把, Ðiêu-Bả 刁 把, Áp-Bả 壓 把, Mãn-Bả 满 把 hay theo Phản-Thủ-Kiếm (như Luân - 綸, Vân - 耘, Xuyên - 穿, Quái - 劊, Tảo - 掃), đều hoàn-toàn khác-biệt Kiếm-thuật Trung-Hoa.

       A - Kiếm-thuật Trung-Hoa dựa trên sự phân-chia rõ-rệt giữa hai ngành « Trạm-Kiếm - 站 劍 » và « Hành-Kiếm - 行 劍 » cho nên có đến 24 Cách sử-dụng Kiếm là :

 

01. Tiễn (筅) - Bắn (Tên),
02. Thích (刺) - Đâm,
03. Phách (劈) - Chặt,
04. Khảm (砍) - Chém bổ xuống,
05. Liệu (撩) - Chém hớt lên,
06. Đào (逃) - Nấp,
07. Phao (拋) - Ném,
08. Lan (攔) - Chận,
09. Bằng (憑) - Đè,
10. Quái (劊) - Chặt,
11. Mạc (莫) - Vót,
12. Thác (錯) - Giủa,
13. Cổn (滾) - Lặn,
14. Điểm (點) - Chỉ,
15. Vân (雲) - Bọc (Mây),
16. Điền (填) - Lấp,
17. Xung (衝) - Công,
18. Giảo (絞) - Siết,
19. Thúc (束) - Buộc,
20. Thác (托) - Nhấc,
21. Đề (提) - Nâng,
22. Điêu (刁) - Lừa,
23. Liệt (裂) - Xé,
24. Loát (捋) - Vuốt.

          Với 24 Cách huy-động Kiếm trên đây, Kiếm-Thuật Trung-Hoa rất cao-siêu và rất phong-phú trong quá-khứ.

      Sự cao-siêu về Kiếm-Thuật Trung-Hoa ngày xưa là đã dẫn đưa người Trung-hoa có được Quan-Điểm thượng-thừa trong Triết-Lý Hình-Nhi Thượng-học về Kiếm-Tiên , đó là « Kiếm-Khí 劍 氣 - Kiếm thành Khí », « Kiếm-Quang 劍 光 - Kiếm thành Ánh Sáng », « Kiếm-Nhãn 劍 眼 - Kiếm thành Ánh Nhìn »...

       Còn sự phong-phú của Kiếm-Thuật Trung-Hoa là do xưa kia mỗi Kiếm-Phái đều có khả-năng thiết-kế một thanh Kiếm đặc-biệt đúc rèn cho Kiếm-Thuật đặc-thù của Kiếm-Phái mình : những thanh KIếm của những Kiếm-Phái lừng danh như là « Kiếm-Phái Toàn-Chân 全 眞 », « Kiếm-Phái Hoa-Sơn 花 山 », « Kiếm-Phái Nga-Mii 峨 嵋 », « Kiếm-Phái Không-Đỗng 崆 峒 », v.v., đều hoàn-toàn khác biệt nhau. Chỉ cần nhìn thấy thanh Kiếm là biết được danh-xưng của Kiếm-Phái.

       Ngày nay, với sự bành-trướng môn Võ thể-thao Wu-Shu của Trung-Hoa mà đại-đa-số thị-trường thương-mại dành ưu-tiên trang-bị cho mỗi môn này, việc tìm trên thị-trường cho được một thanh Bảo-Kiếm, rèn trui bằng thép quán-cương, sở-dĩ có thể áp-dụng hữu-hiệu những 24 Cách huy-động Kiếm nói trên, không phải là một chuyện dễ-dàng.

Kiếm-Sư Yang Jwing Ming biểu-diễn
Kiếm-Thuật Cổ-Truyền của Trung-Hoa

 

Nữ Kiếm-Sinh Trung-Quốc biểu-diễn
Kiếm-Thuật Wushu tân-thời.

 

Nữ Kiếm-Sinh Việt-Nam Trà-My và Thùy-Linh
biểu-diễn Kiếm-Thuật Wushu Tân-Thời của Trung-Quốc
tại Sea Games 25.

 

Nữ Kiếm-Sinh Việt-Nam Trà-My và Thùy-Linh
biểu-diễn Kiếm-Thuật Wushu Tân-Thời của
Trung-Quốc tại Sea Games 25.

 

 

           B - Nói về Kiếm-thuật Đại-Việt cũng như về Quyền-Thuật trong Võ-Thuật Cổ-Truyền Đại-Việt, thì dựa trên nguyên-tắc « khứ vu tồn thanh », «san phồn tựu giản 删 繁 就 簡», lọc bỏ cái phiền-phức mà dùng cái giản-tiện và đã được Tiền-nhân nung-dúc ngoài trận-mạc thủa xưa, đặng lấy Ít chống Đông, theo Võ-lý « dĩ Đoản khắc Trường - dĩ Nhu chế Cương ».
            Vì thế, cho nên Kiếm-thuật cổ-truyền Bình-Định Việt-Nam chỉ hoán-dụng 12 cách thật-dụng Kiếm ngoài chiến-trận :

01. Đâm - Thích ()
02. Chém - Khảm (),
03. Vót - Ngoan (),
04. Gọt - Tước (削), (𠞡),
05. Giủa - Thác (),
06. Vuốt - Loát ().
07. Thoát - Thoát (),
08. Nâng - Đề (),
09. Đè - Bằng (),
10. Bọc - Bao (),
11. Lật - Đảo (),
12. Dìm - Trầm ().



         Với 12 cách sử-dụng Kiếm đan-cử trên đây cùng lối áp-dụng đặc-thù của Võ-Trận Việt-tộc để lấy Chậm thắng Nhanh theo nguyên-lý « dĩ Tịnh trị Động », Kiếm-thuật Đại-Việt kết-tinh « Trạm-Kiếm - 站 劍 » và « Hành-Kiếm - 行 劍 » làm thành chỉ một Nghệ-Thuật sử dụng Kiếm, đó là « Tác-Dụng Kiếm - 作 用 劍 ».

       Chúng ta chỉ việc đem so-sánh các bài Thảo-Pháp trong Kiếm-Thuật Đại-Việt như những bài « Trường-Kiếm » (長 劍), « Long-Môn-Kiếm » (龍 門 劍), « Độc-Long-Kiếm » (獨 龍 劍), hay « Long-Vân Kiếm » (龍 雲 劍) với các bài Thảo-Pháp trong Kiếm-Thuật Trung-Hoa chẳng hạn như « Đạt-Ma Kiếm » (达摩 劍), « Thái-Cực-Kiếm » (大 極 劍), « Ngũ-Hành-Kiếm » (五 行 劍), hay « Long-Hành Kiếm » (龍 行 劍) là đủ thấy rõ.

 

Võ-Sinh Hệ-Phái Bình-Định Sa-Long-Cương đang thao-luyện song-đấu Kiếm-Thuật
trong Truyền-Thống Võ-Trận.


Võ-Sinh Hệ-Phái Bình-Định Sa-Long-Cương đang thao-luyện chiến-đấu tập-thể
bằng Binh-Khí Sắc-bén trong Truyền-Thống Võ-Trận.

 

       Trải qua bao thăng-trầm của Lịch-Sử, Kiếm-Thuật Việt-Nam trở nên một môn quá rất ít được người ta chú-trọng.

       Thời kháng-chiến chống Pháp, tại Bình-Định, Lão-Sư PHẠM-Hiếu thân-sinh của Sư-Trưởng PHẠM-Thi, đã đúc-kết 12 đường Kiếm của Dòng Võ Khiển-Tường dạy cho quân-đội Miền Bắc mà người sau cùng còn được biết là cố Võ-Sư Hà-Trọng-Sơn. Nhưng vị Võ-Sư này lại không chuyên về Kiếm-Thuật mà lại chuyên về Đấu-Đài Võ Tự-Do.

       Thời chiến-tranh Việt-Mỹ, đất nước bị chia-đôi, tại thủ-đô Sàigòn Miền Nam-Việt chỉ có 3 Lão-Sư lo thật-sự truyền dạy Kiếm-Thuật. Đó là :
          1 - Lão-Sư Phi-Sơn-Hải (vô-địch Kiếm-Thuật Việt-Nam tại Hà-Nội năm 1937), dạy Kiếm-Thuật tại đường Yên-Đỗ. Ông là người duy-nhất đã đứng ra đề-nghị với Tổng-Tống Ngô-Đình-Diệm và nộp đơn xin huấn-luyện Kiếm-Thuật cho quân-đội miền Nam chống lại Mă-Tấu-Pháp của Bắc-Việt, nhưng đã bị bác-bỏ ;
           2 - Lão-Sư Lê Văn Kiển (cụ Tám Kiển) dạy Kiếm-Thuật tại Sân Vận-Động đường Phan-Đình-Phùng ;
          3 - Lão-Sư Trương-Thanh-Đăng (người sáng-lập Võ-Đường Sa-Long-Cương) dạy Kiếm-Thuật tại đường Nguyễn-Cư-Trinh.

Kiếm-Sư Phi-Sơn-Hải biểu-diễn Kiếm-Thuật Việt-Nam
tại Hà-Nội năm 1937.
(Tay Trái thủ theo Đại-Ấn Chưởng « Pâtaka Mûdra - Kỳ-Ấn 旗 印 »

Kiếm-Sư Phi-Sơn-Hải trong Thế Thủ lừng danh.
(Hà-Nội năm 1937)

 

       Ngày nay, nước Việt-Nam được thống-nhất, môn Võ Cổ-Truyền Việt-Nam nói chung và môn Võ Cổ-Truyền Bình-Định nói riêng, với sự bành-trướng theo đường lối thể-thao của Wu-Shu bên Trung-Hoa, nên đã được cả thế-giới đều biết đến.

       Một đìều thật đáng lo-ngại là từ đó các Võ-Sinh Việt-Nam có khuynh-hướng bắt-chước thao-tác thị-phạm các bài Thảo theo Võ-Sinh môn Wu-Shu Trung-Hoa. Sự-kiện này thúc đẩy nêu lên nhiều câu hỏi thầm-lặng về Kiếm-Thuật nước Đại-ViệtTổ-Tiên Việt đã khổ công lưu-truyền.

       Nhất là khi thấy ngày nay tại Việt-Nam, bài Kiếm-Thảo của Đại-Việt (gọi lóng là Bài Kiếm Giang-Hồ) gồm có Bảy bình-phương Ba = 343 Kiếm-Thế trong Hệ-Phái Sa-Long-Cương, đã không còn được lưu-truyền nữa, vì đã bị người ta thay-thế bởi bài Kiếm-Thảo « Đạt-Ma Kiếm » (达摩劍) của Trung-Hoa. Cũng như khi thấy ngày nay tại Việt-Nam, bài Kiếm-Thảo Độc-Long Kiếm của Đại-Việt đã bị sửa chế thành bài Kiếm-Thảo Thanh-Long Độc-Kiếm nhái theo Kiếm-Pháp Trung-Hoa...v.v.

 

Kiếm-Sĩ Ngự-Lâm-Quân
chuyên dùng Trường Gươm
- Triều Nhà NGUYỄN (1802-1945) -

(Tín-dung Ảnh : Nguyễn Khắc Ngữ)

 

Lão Bà Võ-Sư Phạm-Cô-Gia
của Hệ-Phái Võ-Thuật Cổ-Truyền Việt-Nam
thao-diễn Kiếm-Thuật Song-Kiếm lúc 90 tuổi hạc.

(Tín-dung Ảnh : H-Phái Phạm-Cô-Gia)

       
       Những hình-thái dị-biệt giữa Võ-Thuật Đại-Việt và Võ-Thuật Trung-Hoa đã được lập-định bởi chiến-tranh và vì chiến-tranh. Nếu Võ-Thuật Tổ-Tiên Việt-tộc bắt-chước nhái theo Võ-Thuật Trung-Hoa, thì làm sao chống-cự nổi với đội-binh xâm-lăng đông hơn gấp mười lần ở những thời-điểm mà Võ-Thuật là cốt-yếu ?

       Ngoài những điều đã nêu ra ở trên, thì Kiếm-Thuật của Đại-ViệtKiếm-Thuật của Trung-Hoa vẫn có những điểm tương-đồng trong Văn-Hóa Văn-Chương nói chung và Văn-Hóa Võ-Thuật nói riêng. Và hai điểm chánh trong Kiếm-Thuật, mà các bài Kiếm-Thảo của cả hai nước là chứng-cớ rất hiển-nhiên, là từ xa xưa hai nước Đại-việt và Trung-Hoa vẫn thường :
       1) - luôn lấy Rồng làm Biểu-Tượng cho Lưỡi Kiếm sắc bén ;
       2) - luôn bảo-trì những đường ĐâmChém trong Kiếm-Thuật.

       Đó chẳng phải là như trường-hợp của Kiếm-Thuật (Escrime) Tây-Phương đã hoàn-toàn loại-bỏ hẳn những đường Chém (Taille) mà chỉ phát-huy những đường Đâm (Estoc), cũng chẳng phải là như trường-hợp của Kiếm-Thuật (劍 術 Kenjutsu) Nhật-Bản, trái lại chỉ dành ưu-tiên cho những đường Chém (Suburi) hơn là đường Đâm (Tsuki).

       Vậy nên chúng ta đến điểm mà chúng ta cần nói về Kiếm-Thuật của Ý-Đại-Lợi Pháp-Quốc ở Tây-Phương và về Kiếm-Thuật Nhật-Bản ở Đông-Phương.

 

       II - Kiếm-Thuật Ý-Đại-Lợi và Pháp-Quốc

          Kiếm-Thuật (Escrime) của Ý-Đại-Lợi Pháp-quốc ở Tây-Phương, với Tám Cách cầm Kiếm nghiên-cứu theo cơ-hình-học của cổ tay : « Prime, Seconde, Tierce, Quarte, Quinte, Sixte, Septime, và Octave », đã cải-tiến Kiếm-Thuật Trung-Cổ của họ đến mức rất đỗi cao-siêu vào Thế-Kỷ XVII qua sự tác-dụng loại Kiếm gọi là « Rapière ». .

Dartagnan và ba người Ngự-Lâm Pháo-Thủ Pháp-Quốc, chuyên dùng thanh Kiếm « Rapière ».
Đó là những Kiếm-Sĩ trứ-danh trong Tiểu-Thuyết Kiếm-Hiệp của văn-hào Alexandre Dumas.
Tranh vẻ của Maurice Leloir (1851-1940).


          Sau đấy, Kiếm-Thuật Âu-Châu không ngừng cải-tiến, và sáng-chế ra loại Kiếm dưới danh-hiệu « Fleuret », ngắn hơn và nhẹ hơn loại Kiếm Rapière, để luyện-tập và nghiên-cứu Khoa Sử-Dụng Kiếm (Xiphonomie) tức Kiếm-Thuật. Và vào khoảng cuối Thế-Kỷ XVIII đến đầu Thế-Kỷ XIX, thì Kiếm-Thuật Âu-Châu đã đạt tới mức thượng-thừa vô-tiền khoáng-hậu. Đây là thời-kỳ xuất-hiện những Danh-Sư trong đó phải kể đến :

          - những Kiếm-Sư Ý-Đại-Lợi Parise Masaniello - (1850 -1910), được xem như "Người Cha của ngành Kiếm-Thuật Ý-Đại-Lợi", Nadi Aldo - (1899 - 1965), vô-địch Thế-Vận-Hội Âu-Châu suốt 12 năm liền, là một trong những Kiếm-Sĩ vĩ-đại nhất của tất cả mọi thời, Santelli Italo (1871 – 1945), được xem như một trong những vị Thầy hay nhất của Kiếm-Thuật thời hiện-đại ;

          - những Kiếm-Sư Pháp-quốc Jean-Louis Michel (1785-1865), vị Thầy không ai thắng nổi tại Âu-Châu, cư-ngụ tại Montpellier, nơi Ông lập ra Trường Kiếm-Thuật nổi tiến nhất, Louis Justin Lafaugère (1782-1856), vị Thầy lỗi-lạc của Ngự-Lâm Quân Hussards, và A.J.J. Posselier lừng danh với tên gọi là "Gomard", vị Thầy trứ-danh dạy Ngự-Lâm Quân Pháo-Thủ Chiến-Nhung Xám (Mousquetaires Gris du Roi).
          Trong số Ba Kiếm-Sư này, thì rất tiếc là Kiếm-Sư Jean Louis Michel đã không viết Kiếm-Phổ để lại cho đời biết những đường Kiếm-pháp tuyệt-luân của Ông, mà chỉ có Kiếm-Sư Lafaugère là có viết Kiếm-Phổ (1825) giảng-dạy 12.500 Chiêu-Thức biến-hóa trong Kiếm-Phái của Ông và Kiếm-Sư Gomard là có viết một Quyển về Kiếm-Lý (1845) để lưu-truyền cho hậu-thế 336 Chiêu-Thức tổ-hợp của Kiếm-Phái mình, đã tỉ-mĩ nghiên-cứu phân-định.

Tranh-Phong Quốc-Tế về Kiếm-Thuật thuở ban đầu
Buổi Giao-Đấu nơi Vườn tại Paris - Minh-Họa của ngày 13 tháng 06 năm 1896.
Tranh vẻ của Georges Scott, 1896.



         Kiếm-Thuật  (Escrime) Ý-Đại-Lợi và Pháp-Quốc bên Âu-Châu sau khi phát-triển đến mức thượng-thừa, ngày nay đã để nó biến thành một môn Thể-Thao quốc-tế trong Thế-Vận-Hội, và từ đấy môn Kiếm-Thuầt đầy điêu-luyện và tinh-vi của họ đã bị biến-thể để trở thành một loại Kiếm-thuật không đáng danh xưng.

 

Khi môn Kiếm-Thuật với những đường Đâm điêu-luyện và tinh-vi
bị biến-thể để trở thành môn Thể-Thao tranh giải.

Khi môn Kiếm-Thuật với những đường Đâm điêu-luyện và tinh-vi bị biến-thể để trở thành môn Thể-Thao tranh giải.

 

       III - Kiếm-Thuật Nhật-Bản

          Kiếm-Thuật (劍 術 Kenjutsu) Nhật-Bản và thanh Gươm sắc bén Katana phôi-thai từ kỷ-thuật đúc rèn Kiếm thép quán-cương tuyệt-vời của thời Nhà ĐƯỜNG (TANG 618~907 CN), ngày nay được lừng danh khắp nãm châu bốn bể. Đây là một sự-kiện văn-hóa chứ không phải một sự-kiến thế-thao như Kiếm-Thuật Tây-Phương.

         Qua Ba thao-tác đặc-biệt về việc : 1. Nukitsuke (拔劍 Bạt-Kiếm - Tuốt Kiếm khỏi sao-gươm), 2. Chuburi ( 血振 Huyết-Chấn - Vẫy Máu khỏi lưỡi gươm) và 3. Noto ( 納刀 Nạp Đao - Tra Kiếm vào sao-gươm), Kiếm-Thuật Nhật-Bản đã tăng thêm vẻ đẹp sống-động oai-hùng của thanh Bảo-Kiếm "Katana" mà Người Xưa đã lưu-truyền nghệ-thuật đúc rèn.

         Và qua thao-tác Kamae vói Năm cách Thủ-Gươm căn-bản (1. Seigan, 2. Hasso, 3. Jodan, 4. Gedan, 5. Waki) và qua thao-tác Kiritsuke với Bãy đường Chém (1. Shomen Uchi, 2. Migi Kesagiri, 3. Jidari Kesa Giri, 4. Migi Yoko-Guruma, 5. Hidari Yoko-Guruma, 6. Migi Gyaku Kesagiri, 7. Kidai Gyaku kesagiri) và Một đường Đâm (Tsuki) Kiếm-Thuật Nhật-Bản đã cống-hiến thế-giới nguồn sư-phạm Kiếm-Pháp mạch-lạc và Kiếm-Quyết quí-báu của Viễn-Đông « Khí Kiếm Thể Nhất Trí » ( 気剣体の一 Kikentai no ichi ) trong Văn-Hóa Võ-Sĩ-Đạo (Bushido) lâu đời của họ đã và đang bảo-tồn.

Kiếm-Sư Ohno trong Thế Thủ
« Hasso no Kamae ».

(Tín-dụng Ảnh : Tetsudokan Jujitsu - Willoughby, Ohio)

 

Kiếm-Sư Kunii Zen'ya trong Thế Thủ
« Waki no Kamae » đặc-thù của Kashima Shin Ryu.

         Thực thế, vào đầu Thế-Kỷ XVIII, Kiếm-Sư Naganuma Shiro sáng-chế ra Kiếm Tre "Shinai " và Vệ-Dực-Y "Bogu " cho Kiếm-Sinh tập-Luyện được an-toàn, thay vì dùng Kiếm Gỗ BokkenKiếm Thép "Katana". Sự trang-bị dụng-cụ đó đã giúp cho Kiếm-Sinh được bước từ chổ học-tập với Sát-Nhân Đao (殺人刀 - Setsuninto) đến chỗ học-tập với Hoạt-Nhân Kiếm (活人劍 剣 - katsuninken). 

 

Kiếm Tre « Shinai »

 

Vệ-Dực-Y « Bogu »

 

         Rồi đến năm 1912, nước Nhật-Bản đã nâng môn Kiếm-Thuật (劍 術 Kenjutsu) của họ lên địa-vị một Đạo-Pháp và chánh-thức đổi thành Kiếm-Đạo (劍 術 Kendo) với sự phổ-biến những Thảo-Pháp cho Kiếm-Đạo (Nihon Kendo no Kata).

Võ-Đường tập-luyện Kendo (Kiếm-Đạo)
tại một Trường Nông-Nghiệp Nhật-Bản vào khoảng năm 1920.
( Kiếm-Sinh bên trái trong Thế Thủ « Jōdan no Kamae »
và Kiếm-Sinh bên phải trong Thế Thủ « Seigan no Kamae »)


         Liên-Đoàn Quốc-Tế Kiếm-Đạo (Fédération Internationale de Kendo FIK), mà trụ-sở tọa-lạc tại Tokyo nơi Liên-Đoàn Nhật-Bản ZNKR (Zen-Nihon-Kendo-Renmei or All-Japan-Kendo-Federation), được thành-lập năm 1970 bởi 17 quốc-gia và những Liên-Đoàn sáng-lập. Đến năm 2006, Liên-Đoàn FIK gồm có 47 nước thành-viên. Liên-Đoàn này nhắm mục-tiêu phát-huy môn Kendō (劍 術 Kiếm-Đạo) và những môn liên-hợp là Iaidō (居合道 Cư-Hiệp Đạo) và Jōdō (杖道 Trượng Đạo).

         - Môn Jōdō (杖道 Trượng-Đạo) bắt nguồn từ môn Jō-Jutsu (杖術 Trượng-Thuật) của giòng Võ Shindo Muso (Shindo Muso Ryu), mà Sư-Tổ là danh-sư Musō Gonnosuke đã săng-lập vào năm1605. Chính Võ-Sư T. Shimizu đã nâng môn Jō-Jutsu (杖術 Trượng-Thuật) trở thành Jō-Đō (杖道 Trượng-Đạo) ngay vừa sau cuộc chiến Thái-Bình Dương thời Đệ-Nhị Thế-Chiến và trước tiên là để dạy cho Cảnh-Sát.

         - Môn Iai-Dō (居合道 Cư-Hiệp-Đạo), thì bắt nguồn từ môn Battō-Jutsu (抜刀術 Bạt-Đao-Thuật), còn được gọi một cách văn-chương hơn là Iai-Jutsu 居合術 Cư-Hiệp-Thuật, sáng-tạo bởi danh-sư Hayashizaki Shinsuke Shigenobu, sinh vào năm 1542 tại Shinzaki ở Dewa. Đây là khoa vừa rút Gươm ra vừa chém liền trong cùng một thao-tác dưới đủ mọi phương hướng.

 

Kiếm-Sĩ Machii Isao chuẫn-bị rút gươm
theo môn « Bạt-Kiếm-Đạo - Batto-Do ».

Kiếm-Sư Jorge Kishikikawa trong Kiếm-Thế "rút Gươm
nhảy lên Chém" theo môn « Bạt-Kiếm-Đạo - Batto-Do ».


         Sự phát-huy thành-công của môn Iai-Dō (居合道 Cư-Hiệp-Đạo) này do hai lý-do :
         1 - Lý-do thứ nhất là sự ý-thức của những vị Kiếm-Sư thời Meiji (Minh-Trị) rằng nếu không chịu phổ-biến môn Iaido này cho quần-chúng thì nó sẽ bị biến mất ;
         2 - Lý-do thứ nhì là sự ý-chí của những vị Kiếm-Sư thành-lập ra môn Kendo thời hiện-đại không muốn môn Kendo này bị biến-thể thành một môn Thể-Thao.

Khi môn Kiếm-Thuật với những đường Chém điêu-luyện và tinh-vi bị biến-thể
để trở thành môn Thể-Thao tranh giải.

 

         Và môn Battō-Jutsu (抜刀術 Bạt-Đao-Thuật) - còn được gọi là Battō-Do (抜刀道 Bạt-Đao-Đạo) - này của Nhật đã nung-đúc được biết bao Kiếm-Sĩ đạt-thành Kiếm-Quyết quí-báu của Kiếm-Thuật : « Khí Kiếm Thể Nhất Trí » (Kikentai no ichi 気剣体の一), mà trong số người đó ngày hôm nay, năm 2012, có một Kiếm-Sĩ phi-thường tên gọi là Machii Isao :

Kiếm-Sĩ Machii Isao tác-dụng môn Batto-Do rút Gươm
chém đứt đôi viên đạn chì 6 mm đường kính,
bắn cách xa 12 m, bay tới với tốc-độ 300 km/giờ.

(Tín-dụng Ảnh : http://www.le-saviez-vous.fr)

 

Kiếm-Sĩ Machii Isao tác-dụng môn Batto-Do rút Gươm
chém đứt đôi viên đạn chì 6 mm đường kính,
bắn cách xa 12 m, bay tới với tốc-độ 300 km/giờ.

(Tín-dụng Ảnh : http://www.le-saviez-vous.fr)


       IV - Kiếm-Thuật và Lưỡi Kiếm

         Để kết-luận, chúng ta có thể khẳng-định sự liên-quan mật-thiết và sự tương-ứng dĩ-nhiên giữa Kiếm-ThuậtLưỡi Kiếm.

         Thật vậy, nói một cách tổng-quát, thì Hình-Dạng Lưỡi Kiếm biểu-hiện Kiếm-Thuật của nó :
         - Trong Kiếm-Pháp sử-dụng Lưỡi Kiếm Thẳng, thì Đâm dễ-dàng hơn là Chém ;
         - Trong Kiếm-Pháp sử-dụng Lưỡi Kiếm Cong, thì Chém dễ-dàng hơn là Đâm.
        - Trong Kiếm-Pháp sử-dụng Lưỡi Kiếm Uốn theo Gợn Sóng, thì Đâm Chém đòi hỏi sự hiểu biết Kiếm-Thuật của loại Kiếm này.

         Tuy-nhiên, Hình-Dạng Lưỡi Kiếm trên thế-giới rất là đa-dạng vì thế nó qui-nạp rất nhiều môn Kiếm-Thuật khác-biệt nhau, tùy theo các miền của mỗi quốc-gia.

         A) - Về phần Lưỡi Kiếm Thẳng, thì đại-khái nó gồm có Hai Đại-Loại Kiếm :

                                1 - Đại-Loại Cương-Kiếm ;

                                2 - Đại-Loại Nhuyễn-Kiếm.

                A1 - Đại-Loại Cương-Kiếm gồm có Ba Hạng Kiếm :

                     a) - Hạng Cương-Kiếm Lưỡi Thẳng hai Cạnh Bén : đây là loại Kiếm được sử-dụng nhiều nhất trên thế-giói, trứ-danh từ thuở « Xuân-Thu Thời-Đại - 春 秋 時 代» (722-481 tr.CL) bên Trung-Hoa và thời Nhà Mérovingiens (500~751 CL) bên Pháp-Quốc.

Cương-Kiếm Thẳng hai Cạnh Bén của Việt-Vương Câu-Tiễn
thời-đại XUÂN-THU 春 秋 時 代 (722-481 tr.CL)
.


Cương-Kiếm Thẳng hai Cạnh Bén của thời Triều-Đại Nhà MEROVINGIENS (500~751 CL)
(Phục-dựng theo Lịch-Sử bởi Gaël Fabre)



                     b) - Hạng Cương-Kiếm Lưỡi Thẳng một Cạnh Bén : đây là loại Cổ-Kiếm đặc-thù của nước Đại-Việt và là loại Kiếm trứ-danh từ thời Nhà TÙY (SUY 581~618 CL) và Nhà ĐƯỜNG (TANG 618~907 CL) ;

Cương-Kiếm Thẳng một Cạnh Bén
thời Triều-Đại Nhà ĐƯỜNG (TANG 618~907 CL).



Cương-Kiếm Thẳng một Cạnh Bén mũi vếch của ĐẠI-VIỆT
(Thế-Kỷ 15~19).
(Phục-dựng bởi Michel Souquet theo tài-liệu lịch-sử của Thư-Viện Quốc-Gia Pháp)

                      c) - Hạng Cương-Kiếm Lưỡi Thẳng có Răng Cưa Đặc-Biệt : đây là Hạng Binh-Khí Sắc Bén thuộc về Loại « Kiếm-Giản ». Hạng Cương-Kiếm này cũng được phân ra làm Hai Nhóm rõ-rệt :

                            α)) Nhóm Cương-Kiếm Lưỡi Thẳng Cạnh Bén Không Đối-Xứng (với Một Cạnh Bén hình Răng Cưa) :

« Kiếm-Giản » dùng theo Đơn-Thủ Kiếm
có Lưỡi Thẳng Không Đối-Xứng với Một Cạnh Bén hình Răng Cưa Đặc-Biệt.
Ý-ĐẠI-LỢI - Cuối Thế-Kỷ 16



                              β) Nhóm Cương-Kiếm Lưỡi Thẳng Cạnh Bén Đối-Xứng (với Hai Cạnh Bén hình Răng Cưa) :

« Kiếm-Giản » dùng theo Đơn-Thủ Kiếm
với Lưỡi Thẳng Đối-Xứng với Hai Cạnh Bén có Răng Cưa Đặc-Biệt.
TRUNG-HOA - Thế-Kỷ 19



                A2 - Đại-Loại Nhuyễn-Kiếm Thẳng hai Cạnh Bén - được gọi bằng Hăn-Việt là Nhuyễn-Tiên-Kiếm 軟 鞭 劍, bằng tiếng Ấn-Độ là Urumi, và được chia ra làm Hai Hạng :

                  a) - Hạng Nhuyễn-Tiên-Kiếm Độc-Nhận Một Lưỡi dẽo sắc bén : đó là loại Nhuyễn-Kiếm đặc-thù của ba nước Trung-Hoa (Nhuyễn-Tiên-Kiếm theo truyền-thống không có chắn bảo-vệ tay), Ấn-Độ và Mã-Lai (Nhuyễn-Tiên-Kiếm có bảo-vệ tay) ;

Nhuyễn Tiên Kiếm 軟 鞭 劍 Thắt Lưng Trung-Hoa
với Lưỡi Thẳng Hai Cạnh Bén.

(Phục-chế bởi ChinaTown-Shop)

Nhuyễn-Tiên-Kiếm Độc-Nhận 鞭 劍 多 刃 Ấn-Độ
« Urumi »
(Một Lưỡi Dẽo Hai Cạnh Sắc Bén)

(Tín-dụng Ảnh : http://theblogthattimeforgot.blogspot.fr)


Võ-Sĩ Ấn-Độ giao-đấu Nhuyễn-Tiên-Kiếm Độc-Nhận
« Urumi »
(Một Lưỡi Dẽo Hai Cạnh Sắc Bén)

                  b) - Hạng Nhuyễn-Tiên-Kiếm Đa-Nhận 鞭 劍 多 刃Nhiều Lưỡi dẽo sắc bén (có từ Bốn tới Sáu Lưỡi Dẽo) với hai Cạnh Bén : đó là loại Nhuyễn-Kiếm Thẳng đặc-thù của phương Nam nước Ấn-Độ và quí-chuộng tại nước Malaysia :

                          - tại vùng Bắc Kerala gọi là « Urumi » còn được gọi bằng tiếng Tamil là Surul Pattai :

                   - tại vùng Nam Kerala gọi theo tiếng Mã-Lai (Malayalam) là « Chuttu-Val » nghĩa là Kiếm cuộn lại được (Quyển-Kiếm ). Đây là loại binh-khí thường được sử-dụng theo Nhuyễn-Tiên Song-Kiếm, chuyên dùng để phá vòng vây của số đông địch-thủ xúm đánh, mà kỷ-thuật vũ-lộng rất khó-khăn và nguy-hiểm cho chính người sử-dụng nó.   
                       

Nhuyễn-Tiên-Kiếm Đa-Nhận
(Nhiều Lưỡi Dẽo Sắc Bén)
« Urumi - Chuttu-Val »
鞭 劍 多 刃

(Tín-dụng Ảnh : http://theblogthattimeforgot.blogspot.fr)

Cao-Thủ Ấn-Độ đang biểu-diễn
Nhuyễn-Tiên Song-Kiếm Đa-Nhận
(Nhiều Lưỡi Dẽo Sắc Bén)
« Urumi - Chuttu-Val »


 

         B) - Về phần Lưỡi Kiếm Cong, còn được gọi là Gươm, thì đại-khái nó gồm có 2 Loại Kiếm được chia tùy theo phần cong của lưỡi Kiếm :

                 B1 - Loại Gươm Cong từ Giữa Thân Gươm tới Mũi Gươm ; đây là loại Kiếm Cong của đại đa-số các nước trên thế-giới ; Tuy-nhiên, trong Loại Gươm Lưỡi Cong này lại có Hai Hạng :

                         a) - Hạng Gươm Cong có Lưỡi Bén Trơn :

« Gươm ĐẠI-VIỆT » dùng theo Đơn-Thủ Kiếm
với một cạnh bén dài nằm về phía lưỡi Kiếm gọi là Hạ-nhận (下 刃)
và một cạnh bén ngắn đằng mũi Kiếm, về phía sống lưng Kiếm, gọi là Thượng-nhận (上 刃).

Đại-Việt - Thế-Kỷ 18~19.



                         b) - Hạng Gươm Cong có Lưỡi Bén hình Răng Cưa :

Gươm « Shamshir ÂN-ĐỘ » dùng theo Đơn-Thủ Kiếm
với Lưỡi Bén Cong Hình Răng Cưa.
Ấn-Độ - Thế-Kỷ 18



                   B2 - Loại Gươm Cong từ Giữa Thân Gươm tới Chắn Gươm ; đây là loại Kiếm Cong đặc-thù của Nhật-Bản, gọi là « Katana ».

Thanh Gươm « Katana » lừng danh của Nhật-Bản,
với Lưỡi Cong từ Giữa Thân Gươm tới Chắn Gươm.


(Phot
o Credit : Paul CHEN)

 

         C) - Về phần Lưỡi Kiếm Uốn theo Gợn Sóng, thì đại-khái nó gồm có 2 Loại Kiếm :
:
                 C1 - Loại Kiếm với Lưỡi Uống theo Gợn Sóng sáng-chế tại Tây-Phương. Đây là loại Kiếm Gợn Sóng phát-minh tại Pháp-quốc và gồm có Hai Hạng khác nhau :

                       a) Hạng Kiếm Gợn Sóng dùng theo Song-Thủ-Kiếm thường được gọi là « Flamberge » (tên thanh Kiếm của Renaud de Montauban, Hiệp-khách Thế-Kỷ thứ 9, dưới triều Hoàng-Đế Charlemagne) ;

Kiếm « Flamberge » dùng theo Song-Thủ của Pháp-Quốc
với Lưỡi Gợn Sóng theo hình Ngọn Lửa.
(Phục-dựng theo Lịch-Sử)



                       b) Hạng Kiếm Gợn Sóng dùng theo Đơn-Thủ-Kiếm thuộc về thứ Kiếm biến-thể của thanh Kiếm được người ta gọi là « Rapière ».

Kiếm « Rapière » dùng theo Đơn-Thủ-Kiếm của Pháp-Quốc
với Lưỡi Gợn Sóng theo hình Ngọn Lửa.

France - Cuối Thế-Kỷ 16

(Tín-dụng Ảnh : George Cameron Stone)



                 C2 - Loại Kiếm với Lưỡi Uống theo Gợn Sóng sáng-chế tại Đông-Phương. Đây là Loại Kiếm Gợn Sóng gồm có Sáu Hạng khác nhau α, β, γ, δ, ε, và ζ, chia ra làm Hai Nhóm biệt-lập :

                C2a - Nhóm Kiếm với Lưỡi Gợn Sóng Không Đối-Xứng ; đó là Loại Kiếm dùng theo Đơn-Thủ-Kiếm :

                   α - Hạng Kiếm với Lưỡi Gợn Sóng sáng-chế tại Ấn-Độ từ Gươm « Shamshir » và Gươm « Khanda » :

Gươm « Shamshir » của Ả-Rập
với Lưỡi Gợn Sóng.


Gươm « Khanda » của Ấn-Độ
với Lưỡi Gợn Sóng theo hình Rắn,
thiết-kế theo hình Đầu Rắn Hổ-Mang về phía Mũi Gươm.



                 β - Hạng Kiếm với Lưỡi Gợn Sóng sáng-chế tại Mã-Lai & Nam-Dương & Phi-Luật-Tân với danh-tự Keris hay                    Kris :

Kiếm « Keris hay Kris » của Nam-Dương
với Lưỡi Gợn Sóng theo hình Rắn.



                   γ - Hạng Kiếm với Lưỡi Gợn Sóng sáng-chế tại Trung-Hoa với danh-tự « She Jian Xà-Kiếm » :

« Xà Kiếm » của Trung-Hoa
với Lưỡi Gợn Sóng theo hình Rắn.



                 C2b - Nhóm Kiếm với Lưỡi Gợn Sóng Đối-Xứng, đó lá những Binh-Khí Sắc-Bén xếp vào Loại Ngạnh-Tiên, được phân ra làm Hai Hạng :

                     δ -Hạng Độc Ngạnh-Tiên dùng theo Đơn-Thủ Song Ngạnh-Tiên ;

                     ε - Hạng Độc Ngạnh-Tiên dùng theo Song-Thủ.


« Độc-Ngạnh-Tiên ( 獨 硬 鞭 ) » Đại-Việt

Kiếm với Lưỡi Gợn Sóng Đối-Xứng
dùng theo Song-Thủ-Kiếm của Đại-Việt
(Phục-dựng theo Lịch-Sử bởi Bộ-Viện Võ-Trận Đại-Việt)



« Độc-Ngạnh-Tiên ( 獨 硬 鞭 ) » Trung-Hoa

Kiếm với Lưỡi Gợn Sóng Đối-Xứng
dùng theo Song-Thủ-Kiếm của Trung-Hoa.
(Phục-chế để luyện-tập trong các Võ-Đường)



         Như thế, chúng ta hẳn có thề quan-niệm rằng trong hạng Binh-Khí Sắc Bén có bao nhiêu Loại Kiếm, thì trong Kiếm-Thuật ( 劍 術 ) có bấy nhiêu Loại Kiếm-Pháp ( ), tức là bấy nhiêu cách sử-dụng Kiếm.  Và mỗi môn Kiếm-Thuật đòi-hỏi phải sở-hữu một thanh Kiếm khả-dĩ hổ-trợ hữu-hiệu nghệ-thuật Kiếm-Pháp của nó.

Song-đấu « Kiếm Đại-Việt » tại France.

(Tín-dụng Ảnh : Bình-Định Sa-Long-Cương France)


 

Song-đấu « Gươm Talwar Ấn-Độ » tại Jordan.

(Tín-dụng Ảnh : Al Faris International
Horseback Archery Competition)

Phiên-bản Ấn-Độ & Ba-Tư thanh Kiếm huyền-thoại bách-chiến bách thắng « Zulfiqar - Dhû'l-fiqâr »
của Tướng-Lãnh Hồi-Giáo Ali ibn Abi Talib (khoảng năm 600 ~ 661).

 

Phiên-bản Thổ-Nhị-Kỳ & Ba-Tư thanh Kiếm huyền-thoại
bách-chiến bách thắng « Zulfiqar - Dhû'l-fiqâr »
của Tướng-Lãnh Hồi-Giáo Ali ibn Abi Talib (600 ~ 661).

(Tín-dụng Ảnh : http://theblogthattimeforgot.blogspot.fr)

 

Thanh Kiếm « Kora »
của miền Bắc-Ấn và Nepal,
vừa dùng cho trận-mạc, vừa dùng cho tế-lễ.

(Tín-dụng Ảnh : http://theblogthattimeforgot.blogspot.fr)

 

 

 

 

Ban Võ-Sư
VÕ-TRẬN-ĐẠI-VIỆT
Bình-Định Sa-Long-Cương
FRANCE

TRỊNH Quang Thắng

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

 

 

Copyright © 2004 - 2019 by ACFDV - All rights reserved.